Nghề Võ và Văn Hóa Võ Đạo các Dòng Họ ở Nam Bộ giải pháp Kế thừa và Phát triển
28/09/2014Chương trình phổ cập môn Võ Dân tộc Nam Huỳnh Đạo tại Huyện đảo Phú Quốc, Tỉnh Kiên Giang
20/09/2018
TINH THẦN NAM HUỲNH ĐẠO
Trong một lần tình cờ đi ngang ngôi đình cổ Nam Chơn (29 - Trần Quang Khải, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh), chúng tôi vô tình nghe được những tiếng “leng keng” kì lạ phát ra từ hậu đình. Hỏi người dân sinh sống chung quanh, tôi mới biết đó là tiếng va chạm của những chiếc vòng “thiết xuyến” làm bằng kim loại mà hàng trăm môn sinh của phái võ Nam Huỳnh Đạo đeo trên tay mỗi khi luyện tập.
Không chỉ ở Tổ đường Nam Chơn mà hệ thống gần 20 đạo đường và võ đường của võ phái trong cả nước và khu vực Đông Nam Á đã thu hút khoảng 7.000 môn sinh cùng hàng chục nghìn học sinh – sinh viên theo học tập tích cực hằng ngày. .
Nam Huỳnh Đạo trên kênh Truyền Hình HTV7
Nam Huỳnh Đạo là một phái võ thuộc hệ thống võ cổ truyền Việt Nam. Chưởng môn sáng lập là võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, hậu duệ đời thứ 7 của võ tướng Tổng trấn Bắc thành Nguyền Huỳnh Đức đời nhà Nguyễn (giai đoạn 1748 – 1819), một dòng tộc có nhiều người nổi tiếng theo nghề y – võ ở Long An. Nam Huỳnh Đạo với hệ thống lý luận bài bản, công phu võ học mang bản sắc riêng, được thử thách trong thực tiễn đã đáp ứng các tiêu chí đề ra của hệ thống võ cổ truyền Việt Nam.
Võ học Nam Huỳnh Đạo lấy nội công - ngoại công làm công phu căn bản, trong đó nền tảng nội gia với kình – khí – mạch làm cơ sở cốt lõi để tu dưỡng thể chất và phát triển võ học. Hệ thống quyền pháp cùng binh khí của bổn phái được xây dựng vô cùng phong phú, sử dụng ngũ hình quyền với năm linh vật: long – hổ - xà – báo – hạc làm kỹ thuật luyện tập cơ bản. Những bài quyền mang bản sắc của bổn phái và có tính ứng dụng trong thực tiễn chiến đấu như: Ung trảo quyền, Âm dương quyền, Phật môn côn pháp… cùng những bài tập về dưỡng sinh, khí công rất thân thuộc và dễ tập, đều được các môn sinh rèn luyện, phát huy tối đa.
Thế nhưng, khi nhắc tới Nam Huỳnh Đạo không phải chỉ về công phu tuyệt kỹ võ học, mà niềm tự hào của tất cả môn sinh trong bổn phái là tinh thần nhân văn - thượng võ. Với tâm niệm “Đức – Đạo –Y – Thiền – Võ” được thể hiện qua những giờ học võ đạo, những hoạt động từ thiện, phổ cập giáo dục… Những đóng góp thiết thực trong xã hội về tinh thần, vật chất chính là điều kiện khẳng định chữ “Đức” là cơ sở đầu tiên để xây dựng và phát triển võ phái.
Nhận thấy thế hệ trẻ là những người chủ tương lai của đất nước nên Nam Huỳnh Đạo rất chú trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ thiếu niên, nhi đồng (trong môn phái gọi là đồng nhi). Luyện tập võ công căn bản song song với rèn luyện võ đạo để giúp các em có được sự dẻo dai, học những điều hay lẽ phải cũng như định hướng đúng đắn cho tương lai là những gì các em nhận được khi bước chân vào võ đường.
Thực tế, môn phái Nam Huỳnh Đạo đã phối hợp với Sở Giáo dục –Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện thí điểm phổ cập môn võ vào giờ học thể dục chính khóa cho học sinh trong tỉnh và thu được kết quả đáng khích lệ. Hiện tại, Nam Huỳnh đạo đang cùng với Nhà xuất bản Giáo dục biên soạn, xuất bản cuốn sách giáo khoa về võ học Nam Huỳnh Đạo. Khi hệ thống cơ sở lý luận, giáo trình của môn phái được xây dựng hoàn thiện, dự kiến chương trình này sẽ được áp dụng vào giảng dạy ở một số trường học trong khu vực Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian sắp tới.
Việc xúc tiến đưa tinh thần võ học Nam Huỳnh Đạo vào trường học và các tổ chức xã hội khác chính là góp phần xây dựng, nuôi dưỡng và phát huy tinh thần thượng võ nhân văn cao cả cho thế hệ trẻ cả mà cha ông đã xây dựng từ ngàn xưa…
Võ sư Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt chia sẻ: “Định hướng cho môn sinh về nhân cách, lối sống tốt đẹp, tư tưởng sống tích cực trong cuộc sống ngày nay là tôn chỉ mà thầy và trò Nam Huỳnh Đạo luôn theo đuổi”.