Võ Công Nam Huỳnh Đạo
10/03/2014
NỀN TẢNG NHO - PHẬT - LÃO TRONG VĂN HÓA VÕ ĐẠO VIỆT NAM
V
iệt Nam là một đất nước láng giềng của Trung Quốc nằm ở phía Đông Nam châu Á, với diện tích không lớn, số dân không quá đông nhưng có lịch sử dài hàng ngàn năm.
Trong quá trình dựng nước và giữ nước đầy gian khổ, dân tộc Việt Nam luôn phải đối đầu với nhiều khó khăn, thử thách thiên tai, địch họa. Để chiến đấu và chiến thắng, tồn tại trước những điều kiện khắc nghiệt, không thể khác, con người Việt Nam phải sáng tạo ra vốn văn hóa quan trọng của mình, đó là khả năng chiến đấu bằng văn hóa võ lực, quân sự bên cạnh sức mạnh văn hóa tinh thần và trí tuệ của toàn dân tộc. Truyền thống “Nhân văn – Thượng võ” là nguồn nội lực văn hóa có thật từng góp phần tạo nên cái mà người ta gọi là “sức mạnh Việt Nam”, sức mạnh to lớn đã được minh chứng qua trường kỳ lịch sử đầy biến động của dân tộc này thể hiện cụ thể qua tình yêu thương, lòng nhân hậu gắn bó hữu cơ với tinh thần chiến đấu quật cường, khả năng vượt thắng trong mọi tình huống, hoàn cảnh khắc nghiệt nhất… Đến nay, một biểu hiện của truyền thống “Thượng võ” (không tách rời “Nhân văn”) như vậy đó là sự phát triển mạnh mẽ của hàng trăm võ phái cổ truyền ở khắp các địa phương trong nước và nhiều nơi trên thế giới để từng bước góp phần xây dựng nền văn hóa võ Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Sư Phụ Chưởng Môn Nam Huỳnh Đạo ấn chứng minh họa Võ Công, Võ Đạo tại Lễ Tọa Đàm Văn Hóa Võ Đạo Việt nam - Đông Á
Nam Huỳnh Đạo là một trong những môn phái võ cổ truyền Việt Nam được xây dựng và phát triển tại vùng đất Nam Bộ. Tổ sư trực tiếp của môn phái là võ tướng Nguyễn Huỳnh Đức (tên thật Huỳnh Tường Đức, 1748 – 1819), Tổng trấn Bắc Thành và Tổng trấn Gia Định Thành trong giai đoạn đầu thời Nhà Nguyễn. Với định hướng đề cao khẩu hiệu pháp môn “Đức – Đạo – Thiền – Y – Võ”, Nam Huỳnh Đạo không chỉ tập trung hoạt động huấn luyện võ thuật, võ công, kết hợp với các nền tảng y học cổ truyền, thiền công, khí công, v.v… mà còn đặc biệt quan tâm mục tiêu xây dựng tinh thần võ đạo Nam Huỳnh Đạo, một bộ phận của võ đạo Việt Nam. Cũng như nhiều môn phái võ cổ truyền Việt Nam khác, nền tảng võ học, võ đạo của Nam Huỳnh Đạo không thể khác phải tập trung xây dựng dựa trên cơ sở bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống dân tộc kết hợp các tri thức về đạo học, triết lý phương Đông, trong đó Nho – Phật – Lão là yếu tố tư tưởng chủ đạo.
Từ thực tiễn Nam Huỳnh Đạo và các môn phái võ cổ truyền khác, xét về bản chất, võ đạo Việt Nam chính là sự phát huy toàn diện sự vận động của chỉnh thể văn hóa dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hóa tư tưởng phương Đông, cụ thể là tư tưởng triết học Nho – Phật – Lão. Trên nền tảng tinh thần “Nhân văn Việt Nam” nhằm giải phóng nội lực tri thức văn hóa của dân tộc, hướng đến những giá trị sống tốt đẹp, trong đó có giá trị cốt lõi từng tạo nên sức mạnh cá tính và phẩm cách hành động của dân tộc theo tinh thần “Thượng võ Việt Nam”. Và chính nhờ vào tâm thế của đạo lý “Nhân văn – Thượng võ” như vậy mà võ đạo Việt Nam đã, đang và sẽ trở thành một nguồn lực quan trọng trong dòng chảy truyền thống văn hóa dân tộc.
Sư Phụ Chưởng Môn
„Từ tấm gương người thầy vĩ đại “vạn thế sư biểu” Khổng Tử về việc đề cao xây dựng nền tảng đạo đức con người thông qua giáo dục, Nam Huỳnh Đạo chủ ý xây dựng mọi hoạt động môn phái lúc nào cũng phải gắn với quá trình giáo dục cả về “thân” lẫn “tâm” con người. ”
Trong đó, những giá trị mang tính nền móng của Nho đạo được tập trung khai thác theo tinh thần xác định con người là chủ thể có khả năng giải phóng và tiến hóa chính mình bắt đầu từ làm chủ văn hóa “nội giới” (tự thân) tiến tới làm chủ văn hóa “ngoại giới” (xã hội). Điều đó được thực hiện không chỉ thông qua những giờ học tập “Văn hóa võ đạo” mà còn qua các hoạt động xã hội, từ thiện…, đặc biệt là hoạt động đưa võ thuật vào học sinh, sinh viên trong trường học và vào các đối tượng công chúng khác…Nội dung phổ cập cho mọi đối tượng không chỉ là rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe bằng võ thuật, khí công dưỡng sinh mà còn là giúp mọi người xác định cơ sở nền tảng làm nên “văn hóa tự thân” thông qua con đường “Tu thân” bằng tinh thần “Chánh tâm, Thành ý” để hướng đến mục tiêu “Đối nhân, tiếp vật” với gia đình, quốc gia, nhân quần một cách phù hợp và thức thời nhất nhằm tiến tới đạt sự “quân bình, toàn diện” trong cách thế sống theo nguyên lí “Trung thứ”, theo các giá trị chuẩn mực cơ bản của Luân thường Nho giáo kết hợp với những truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, một trong những nội dung tạo nên nguồn lực cho võ thuật, võ học và cả võ đạo Nam Huỳnh Đạo và võ cổ truyền Việt Nam đó là sự khai thác các nguồn tinh hoa giá trị minh triết tỏa sáng từ Kinh Dịch, là một nội dung quan trọng trong Ngũ Kinh của Nho gia kết hợp cùng các giá trị văn hóa từng tạo nên “khoa học vận động và chiến đấu” của con người Việt Nam trong lịch sử, trước hết là nhằm trực tiếp góp phần phát triển văn hoá cá nhân theo mục tiêu cụ thể: “không phải chỉ để nâng cao sức khỏe, trui rèn trí lực, tâm thần thanh khiết, sẵn sàng ra tay nghĩa hiệp, diệt gian, trừ bạo, cứu giúp người thế cô, sức yếu, mà chủ yếu là để tu tâm, dưỡng tính, luôn giữ được sự bình tĩnh, tự tin… có khả năng chịu đựng mọi gian nguy, thử thách, luôn nhẫn nại và thành tâm tu luyện “Tâm Đạo”, làm cho tâm trí luôn sáng trong, không một chút vẩn đục, thể hiện đầy đặn “chất dũng”, “chất hùng” và thần thái tiết liệt, kiên trung, không chao đảo, bi lụy, khiếp nhược…, đem Võ thuật cứu giúp người hoạn nạn, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa.. .”..
Ở khía cạnh khác, trong khi học thuyết Nho giáo đặt vấn đề vai trò của “Thân” (theo nghĩa rộng) là gốc của toàn bộ các quan hệ xã hội theo định hướng “Tu thân, tề gia, trị quốc…” thì triết học Phật giáo xem “Thân” là trung tâm của mọi phiền não, đau khổ (sinh, lão, bệnh, tử). Từ đó, vấn đề tất yếu đặt ra của Phật giáo rằng con người cần phải “Tu tâm dưỡng tánh” để trở về “Chân tâm” (True mind) và “Bổn tánh” (Primitive characteristic) là điều tối cần thiết và tương ứng như vậy, đối với Nam Huỳnh Đạo đó là việc xử lý mối quan hệ giữa “Thân” (vật chất) với “Tâm” (tinh thần) như là một trong những nhân tố gốc của quá trình xây dựng và phát triển văn hóa võ đạo của mình. Việc xác định mối quan hệ hữu cơ của Thân vật chất (hệ thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, các cơ bắp…) và Thân tinh thần (trí tuệ, tâm hồn, tình cảm…) trong quá trình hoàn thiện và tương tác lẫn nhau nhằm phát huy tác dụng tích cực của cả hai thân góp phần xác lập vị trí chủ thể của bản thân con người trong các mối quan hệ xã hội khác nhau đó chính là giải pháp căn cơ nhất của quá trình xây dựng con người phát triển hài hòa, toàn diện thông qua văn hóa võ đạo: “Giá trị đích thực của sinh lực thân – tâm là “chân khí”… khai mở nguồn năng lượng của chỉnh thể “Con người – Vũ trụ – Vạn vật” thông qua một hệ thống đặc biệt của cơ sở “khí hóa” mang tính pháp môn đặc thù… Thân là hệ thống cấu trúc mọi hoạt động sống của con người trong mối quan hệ tương tác của ý thức, thần kinh và thể xác với “đời sống nội tại” và “thế giới ngoại cảnh”… Đây chính là “tâm pháp” mang tính bí quyết để thúc đẩy nhận thức và chuyển hóa hành động từ “thân vật chất” khai phóng lên thành “thân khí (năng lượng)” với mục tiêu, giải pháp đã được xác định rất rõ ràng…”
.
Bên cạnh nền tảng Nho và Phật như trên, trong văn hóa võ đạo Nam Huỳnh Đạo nói riêng, văn hóa võ đạo Việt Nam nói chung còn in đậm những dấu ấn sâu sắc của tư tưởng và triết lý Đạo (Lão) giáo.
Những nguyên lý “sống thuận theo lẽ tự nhiên” của Lão Tử, “ung dung tự tại” của Trang Tử, hoặc tinh thần “Đạo khả Đạo phi thường Đạo, danh khả danh phi thường danh” mà Đạo đức kinh xưa đã từng đề ra… nay trở thành như là một trong những phương châm âm thầm chi phối suy nghĩ, hành động, thậm chí là phương cách sống của các thế hệ võ sư và võ sinh, đặc biệt là trong các nội dung truyền đạt võ thuật, võ học kết hợp võ đạo của Nam Huỳnh Đạo và các môn phái võ cổ truyền Việt Nam.
Võ đạo Việt Nam được xác định mục tiêu cao nhất nhằm góp phần đào tạo con người, đặc biệt là cho lớp trẻ và tất cả vì sự nghiệp “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do đó nguyên tắc “Lo thắng người thì loạn; Lo thắng mình thì bình” được nghiêm túc thực hiện trong ứng xử nội bộ cũng như trong mọi quan hệ giữa môn phái với bên ngoài… Liên hệ thực tế cụ thể, khẩu hiệu mang tính pháp môn “Đức – Đạo – Thiền – Y – Võ” của Nam Huỳnh Đạo ngoài mục tiêu chuyên môn (Thiền – Y – Võ) thì vấn đề “Đạo” và “Đức” được khẳng định như là một nội dung ưu tiên đề cao theo như tinh thần Lão Tử đã từng khẳng định: “Trong Đạo đức kinh, chữ Đức được hiểu theo nghĩa khái quát nhất như tính chất căn bản, tự nhiên cần có ở vạn vật để cho vạn vật là nó chứ không phải là cái khác. Tùy theo đối tượng là sự vật hay con người mà Đức được hiểu là đặc tính vốn có (của sự vật) hay đạo đức (của con người). Trước hết, Đức như là chất của sự vật mà nhờ đó, ta biết được sự tồn tại của sự vật. Mà sự vật là biểu hiện của Đạo trong vũ trụ, là “Đạo khả đạo”, cho nên Đức không tách rời Đạo. Vì thế, Đức mới là cái nuôi dưỡng vạn vật sau khi chúng được Đạo sinh ra…”. Với tinh thần “Đạo sinh, Đức nuôi” như vậy, “Võ đạo” và “Võ đức” trở thành phương châm rèn luyện không thể thiếu của con người học võ theo mục tiêu “lấy tu tâm dưỡng tính, lấy chữ nhẫn, chữ nhịn làm tôn chỉ, lấy tự vệ bản thân làm tín điều để tự răn mình… người thành tâm học võ, luyện võ, đấu võ luôn đi đúng con đường “Chánh Đạo” không lạc sang phía đường “Tà Đạo”. Các môn sinh Nam Huỳnh Đạo không nói nhiều về những khái niệm đạo lý sống mà tập trung thường xuyên hành động cụ thể theo những mục đích thiết thân đó là sự rèn tập hàng ngày nhằm đạt được trạng thái thăng hoa về thể chất, tinh thần cho mỗi cá nhân thông qua những nỗ lực tự thân cùng với kỷ luật tự giác của mỗi người. Như vậy Nam Huỳnh Đạo cũng như các môn phái võ cổ truyền Việt Nam thường xuyên quan tâm trước hết là đối với đời sống hiện thực của mỗi con người, coi sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất quan trọng như nhau, đồng thời khẳng định rằng chỉ trong một thân thể tráng kiện mới có được một tinh thần lành mạnh thông qua tinh thần võ đạo với pháp môn chung: “Võ thuật và Khí công có quan hệ nhau nhưng không hoàn toàn là một: Võ thuật chủ yếu là hoạt động thông qua kỹ thuật rèn luyện các đòn thế, công phu nhằm đối phó đối phương (cá nhân hoặc tập thể) trong giao đấu hoặc bảo vệ bản thân mình, còn Khí công chủ yếu là “thông qua việc lấy ý lĩnh khí, hít thở thổ nạp, hoặc phương pháp rèn luyện “cầu tĩnh trong động” để đạt mục đích mạnh khỏe thân thể, phòng trị bệnh tật”.
Vấn đề đặt ra là “Khí” ở đây không chỉ là “hơi thở”, là hoạt động của “Khí công” mà nó còn bao hàm nghĩa rộng hơn như người xưa đã nêu : “Xem lại trong thân ta, thì khí ở trong đó. Xem lại trong khí ta, thì thần có ở trong đó”. Lão Tử cũng đã từng nói : “Ngoại kỳ thân nhi thân tồn” (Gác thân ra ngoài thì thân còn) chính là theo những ý nghĩa như vậy… Và cũng vì vậy, Nam Huỳnh Đạo luôn lấy phương châm “HÀNH ” làm chủ đạo để tập trung mục tiêu “LẬP THÂN” là nền tảng, là “mật mã” kết hợp với “LÝ” để trong tiếp xúc với “HỒN” (TINH THẦN), ngoài thì đào luyện “KHÍ” và xây dựng “CÔNG LỰC”, cùng với các ý thức, hành vi xã hội tự giác…. Ở đây, thực chất “Lập thân” như vậy chính là vấn đề “Lập khí”, theo tinh thần “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” như quan điểm truyền thống văn hóa Việt Nam từng khẳng định. Bởi, “khí” ở đây không phải chỉ là “hơi thở” (khí công) hay “sức mạnh thể chất và tinh thần” (khí lực) mà quan trọng hơn đó còn là “tâm khí”, “chí khí”… Theo nghĩa như vậy, “Lập thân” bằng “khí” rất khác với “Lập thân” bằng “trí”, một quan niệm và là một xu hướng còn rất hạn hẹp trong thực tế nhân sinh hiện nay !…”. Theo lẽ thường và với quan niệm “Đạo sinh, Đức nuôi” như đã nói: có Đức mới có Đạo, do đó khẩu hiệu pháp môn của Nam Huỳnh Đạo “Đức – Đạo – Thiền – Y Võ” được bắt đầu bằng khái niệm “Đức” cũng chính là vì lẽ ấy!
T
ừ thực tiễn Nam Huỳnh Đạo và các môn phải võ cổ truyền khác, xét về bản chất. võ đạo Việt Nam chính là sự phát huy toàn diện sự vận động của chỉnh thể văn hóa dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hóa tư tưởng phương Đông, cụ thể là tư tưởng triết học Nho – Phật – Lão.
Trên nền tảng tinh thần “Nhân văn Việt Nam” nhằm giải phóng nội lực tri thức văn hóa của dân tộc, hướng đến những giá trị sống tốt đẹp, trong đó có giá trị cốt lõi từng tạo nên sức mạnh cá tính và phẩm cách hành động của dân tộc theo tinh thần “Thượng võ Việt Nam”. Và chính nhờ vào tâm thế của đạo lý “Nhân văn – Thượng võ” như vậy mà võ đạo Việt Nam đã, đang và sẽ trở thành một nguồn lực quan trọng trong dòng chảy truyền thống văn hóa dân tộc! Tất nhiên, nói đến truyền thống văn hoá là nói đến các giá trị được tích lũy qua sàng lọc, thử thách lịch sử, là dấu ấn đọng lại mang tính chất những thành tựu, những tinh hoa từ tinh thần và thể chất của dân tộc. Võ đạo dân tộc vì vậy chính là một bộ phận liên quan Thể chất dân tộc được kết tinh từ những giá trị truyền thống chung. Khi nhìn sâu vào Thể chất dân tộc, chúng ta có thể phát hiện ra rằng nó chính là sự đáp ứng thiết thực nhất, sự thỏa mãn cao nhất nhu cầu hạnh phúc của con người và nhu cầu hạnh phúc thực tế cuộc sống gắn liền với đời sống văn hoá dân tộc. Ở bình diện cao hơn, Thể chất dân tộc Việt Nam luôn được nuôi dưỡng bằng một sinh lực nhân đạo gắn liền với mọi tiến trình đấu tranh trong lịch sử dân tộc từ thể chế xã hội nông nghiệp hàng ngàn năm để làm nên sức sống mãnh liệt mang đầy đủ tinh thần “Nhân văn – Thượng võ” nhằm đáp ứng phù họp với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong mọi thời kỳ lịch sử.
Ngày nay, trước những yêu cầu của thời đại mới, với sức sống của Thể chất dân tộc và văn hóa dân tộc trong quan hệ giao lưu tiếp biến mọi thành tựu văn hóa nhân loại trên nền tảng Nho – Phật – Lão, Nam Huỳnh Đạo cùng với võ cổ truyền Việt Nam sẽ tiếp tục luôn nỗ lực bằng tất cả tâm huyết để góp phần xây dựng võ đạo Việt Nam mang đậm nét “Nhân văn – Thượng võ” nhằm chung tay góp sức cho nội dung, mục tiêu rèn luyện nhân cách con người và thế hệ trẻ Việt Nam với tiêu chí:
THÂN THỂ KHỎE MẠNH, TINH THẦN LÀNH MẠNH THEO ĐỊNH HƯỚNG VĂN HÓA DÂN TỘC HIỆN ĐẠI VÀ SẴN SÀNG HỘI NHẬP VỚI TOÀN THẾ GIỚI./.
Trưởng Tràng NAM HUỲNH ĐẠO trao Kỷ Niệm Chương Cho Ông Li ShuangXin Chủ tịch Hiệp hội kiêm Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Đạo Giáo Võ Đang-Trung Quốc
Trưởng Tràng NAM HUỲNH ĐẠO trao Kỷ Niệm Chương Cho GS Seng Huat Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Đạo Giáo Malaysia
Trưởng Tràng NAM HUỲNH ĐẠO trao Kỷ Niệm Chương Cho Võ Sư - Nhà Giáo Trịnh Hồng Minh Nguyên Giám Đốc trung tâm nghiên cứu Di Sản Võ Cổ Truyền Việt Nam