parallax background

Võ Đạo Việt Nam với Văn Hóa Dân Tộc và Dòng Tộc

Luận đàm về một nền Văn Hóa Võ Học Việt Nam
12/03/2014
Thân Khí Võ Đạo với Nhân Cách, Đạo Đức Cá Nhân và Văn Hóa Dòng Tộc
30/04/2014

VÕ ĐẠO VIỆT NAM VỚI VĂN HÓA DÂN TỘC VÀ DÒNG TỘC

V

Õ ĐẠO VỚI VĂN HÓA DÂN TỘC

Đặc điểm Việt Nam vốn là nước nhỏ, đất không rộng, người không đông, có vị trí địa lý khá đặc biệt và nguy hiểm. Phía Bắc giáp nước Trung Hoa bao la đầy tham vọng, lúc nào cũng lăm le thôn tính, đồng hóa, phía Tây án ngữ dãy Trường Sơn hùng vĩ, trước mặt là biển Đông mênh mông, không còn con đường tiến thoái. Tổ tiên ta chỉ còn có con đường duy nhất là phải đoàn kết vùng lên quyết tử với bọn ngoại xâm để tồn tại và phát triển.

Bản sắc Dân tộc

Tổ tiên ta bên cạnh “văn trị” mưu lược tài tình, luôn đề cao “võ công” xuất chúng. Thời đại Hùng Vương dụng nước đã có Lạc Hầu, Lạc Tướng là những lực lượng lãnh đạo cả về “Văn” lẫn “Võ’’. Từ mô hình nhà nước sơ khai đầu tiên ở nước ta mãi cho đến các nhà nước phong kiến trung ương tập quyền sau này, khi giặc ngoại bang xâm lược, các võ quan giữ vai trò quan trọng, có tính quyết định sự tồn vong của đất nước. Trong ngàn năm Bắc thuộc, Tổ tiên ta hơn chục lần quật khởi đánh đuổi ngoại xâm, dựng nền độc lập với các Quốc hiệu đầy tự hào: Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt cộng chung khoảng trên bảy trăm năm mươi năm [nhà Lý: 215 năm (1010 1225), nhà Trần: 175 năm (1225 1400), nhà Hậu Lê: 360 năm (1428 -1788) thay cho các tên Giao Châu, Giao Chỉ, Trấn Man, An Nam do ngoại bang phong cho.

Lịch sử Việt Nam suốt mấy ngàn năm dựng nước, cũng ngần ấy năm dân tộc ta đấu tranh giữ nước. Từ Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt phá giặc Ân, vua An Dương Vương dùng nỏ thần đuổi quân Triệu Đà, Ngô Quyền diệt quân Nam Hán, Lý Thường Kiệt phá Tống, bình Chiêm, Trần Hưng Đạo đại thắng Nguyên-Mông, Lê Lợi bình định giặc Minh, Quang Trung đại phá quân Thanh… và hơn hàng trăm năm quét sạch thực dân Pháp, đế quốc Mỹ giành độc lập cho dân tộc. Thời nào cũng có các bậc minh quân, thánh đế, võ tướng kỳ tài, lập công xuất chúng với truyền thống “Thượng võ” bên cạnh tinh thần “Nhân văn” vốn có của dân tộc. Truyền thống đó đã góp phần tạo nên “võ đạo Việt Nam”, một bộ phân đặc biệt của văn hóa dân tộc và văn hóa dòng tộc Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Bền

C

ác triều đại phong kiến Việt Nam trước đây rất coi trọng việc đào tạo nhân tài; mở trường dạy, mở khoa thi cả văn lẫn võ. Bên cạnh tiến sĩ Văn (Thái học sinh) có Tiến sĩ Võ (Tạo sĩ). Các danh tướng Việt Nam, cả nam và nữ, hầu hết đều đã qua thi cử, hoặc nhờ các đại võ sư truyền dạy bài bản.Nhiều vị vua, võ tướng đạt văn võ song toàn. Lý Bôn, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Huệ là những vua sáng lập đều thông cả văn lẫn võ. Các triều đại nói trên đã xuất hiện những võ tướng kỳ tài: Nguyễn Bặc công thần nhà Đinh, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Thái sư Đào Cam Mộc v.v.. là những rường cột của triều đình, quốc gia thời đó.

Sư Phụ Tại Lễ bế Môn

Thời phong kiến, võ thuật là bửu bối duy nhất để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất đai bờ cõi và võ nghiệp rất được tôn trọng, Võ miếu, Giảng võ đường, còn để lại di tích đến ngày nay, các di chỉ khảo cổ nền văn hóa Đông Sơn có nhiều binh khi bằng đồng. Gần như một sự đương nhiên, khi giặc thù đến đâu thì ngành võ phát triển đến đó, và càng rộng ra các dòng họ, nhân dân chiến tranh nhân dân, truyền thống toàn dân đánh giặc. Vùng đất “địa đầu” miền Bắc, sớm nổi lên những danh tướng: Tôn Đản (Cao Bằng), Lý Đạo Thành (Bắc Ninh), Phạm Tu, đại công thần nước Vạn Xuân. Danh tướng Đinh Liệt đã chém tướng nhà Minh là Liễu Thăng, bắt sống Chu Kiệt.

Miền Trung, có Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) ở Thanh Hóa, Họ Mai: Mai Thúc Loan, họ Dương: Dương Đình Nghệ, họ Bùi: Bùi Tá Hán, họ Nguyễn: Nguyễn Xí, họ Hồ: Hồ Phi Chấn, họ Đặng: Đặng Hữu Cán, họ Đinh: Đinh Bạt Tụy, họ Trương: Trương Văn Hiến, thầy dạy cả văn lẫn võ cho ba anh em nhà Tây Sơn, họ Lương: Lương Văn Chảnh, thầy dạy võ cho Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân. Thời Tây Sơn nổi danh tập thể có “Tây Sơn thất hổ tướng” và “Tây Sơn ngũ phụng thư”. Bình Định là vùng đất cổ xưa toàn dân đều biết võ: “Con gái Binh Dinh múa roi đi quyền”.

Nghề võ cũng theo đoàn lưu dân vào vùng đất mới phương Nam. Số lượng tướng võ của các dòng họ giỏi võ có ít nlnmg cũng nổi danh một thời: Lê Văn Duyệt, Lê Văn Phong, Huỳnh Tường Đức (Nguyễn Huỳnh Đức), Nguyễn Cửu Vân, Ngô Nhơn Tịnh.… là những võ dõng góp phần bảo vệ và kinh bang vùng đất Nam kỳ. Thời Pháp thuộc, có Đề đốc Lê Trực, Đặng Tất, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Hữu Huân, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quả… là khắc tinh của giặc Pháp. Tiếp theo là giai đoạn đánh Pháp bằng súng đạn, các vị chi huy Vệ quốc đoàn như Dương Văn Dương, Huỳnh Văn Nghệ, Tô Kỷ, Mai Văn Vĩnh đều biết võ nghệ. Ngay những nhà chính trị “đơn thuần” như Nguyễn An Ninh, Trần Văn Giàu đều có võ. Dương Văn Dương học võ với nhiều ông thầy và sống bằng nghề nuôi vịt đàn chạy đồng đi khắp nơi từ Nhà Bè (Gia Định) đến Cần Giuộc, Cần Đước (tỉnh Chợ Lớn cũ nay là Long An), xuống tận Gò Công, Mỹ Tho… để tầm sư học đạo. Huỳnh Văn Nghệ may mắn có thân phụ là thầy dạy võ cho lớp trai làng, nên ông cũng theo học được, sau này rất cần cho việc chỉ huy đánh giặc.

Phái Bà Trà Tân Khánh, Tân Uyên, Bình Dương do bà Vô Tri Trà vốn giỏi võ Tây Sơn tập họp dân làng nổi dậy chống bọn tham quan ô lại thời vua Tự Đức và xâm lược Pháp suốt 10 năm lập căn cứ tại khu rừng Tân Khánh. Nổi danh có hai anh em Võ Văn Ất và Võ Văn Giáp, học trò của Bà Trà đánh chết ba con cọp dữ ở Hố Ngỡi (nay là Tân Vĩnh Hiệp, Tân Uyên). Sau này Sáu Trực là học trò của Hai Ất truyền thụ võ công cho các môn sinh, trong đó có Nguyễn An Ninh và Phan Văn Hùm

Phong trào dạy võ, học võ đã lan rộng khắp cả nước, có nhiều môn phái: Nhất Nam, Bạch Hổ lâm, Hầu Quyền đạo, Việt Võ Đạo (Vovinam), Nam Huỳnh Đạo nổi tiếng nhất là Tây Sơn, Bình Định và Bà Trà Tân khánh, là hai môn phái gắn với địa danh sáng lập. Binh pháp có Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn, Hổ tướng Khu cơ của Đào Duy Từ, Binh pháp Tây Sơn của nhà Tây Sơn…Các võ sinh được học bài bản: Võ lý, Võ lễ, Võ đạo, Võ thuật, Y võ, đến kỳ thi võ được kiểm soát chặt chẽ để trở thành các Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) mới đủ tài đức vẹn toàn hết lòng giúp dân cứu nước.

Các nhà nghiên cứu tạm chia võ học Việt Nam thành ba nhóm chính: Võ Kinh, ở triều đình gồm cả võ thi (võ cữ), võ lâm (võ dân gian), chủ yếu những người đi khai hoang mở đất và võ gia truyền do ông cha truyền lại cho con cháu. Nhưng cả ba nhóm đều có mục đích như một “đạo lý” chung: rèn luyện thân thể, ý chí, bản lĩnh, tự vệ, giúp người, giết giặc cứu dân, cứu nước. Nhìn trên tổng thế, võ đạo Việt Nam là một bộ phận của văn hóa dân tộc thể hiện tinh thần hành động, sức chiến đấu vì những nghĩa lớn, trước hết là vì sự tồn sinh của con người và cộng đồng dân tộc, với những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống nó đã dần tích lũy nội lực để trở thành nhân tố chủ đạo tạo nên “chủ nghĩa anh hùng” của một dân tộc anh hùng từng được minh chứng qua trường kỳ lịch sử.

VÕ ĐẠO VỚI VĂN HÓA DÒNG TỘC

(LIÊN HỆ TRƯỜNG HỢP MÔN PHÁI NAM HUỲNH ĐẠO)

M

ôn phái Nam Huỳnh Đạo chính thức khai môn ngày 24/11/2001 do chưởng môn sáng lập là võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, hậu duệ đời thứ bảy của võ tướng Tổng trấn Bắc Thành và Gia Định Thành Nguyễn Huỳnh Đức (1748 -1819) – tên thật là Huỳnh Tường Đức được vua nhà Nguyễn tứ tánh. Nhìn xa hơn, theo bảng tông chi Huỳnh tông đối chiếu với một số tư liệu sử sách khác nhau, ông Tổ họ Huỳnh là Huỳnh Quốc Tuấn (Tấn) người ở Thăng Long, làm quan Thượng thư Bộ Lễ đời vua Lê Chiêu Tông (1516 -1525) – cháu ba đời vua Lê Thánh Tông.

Cụ thể về tông chi họ Huỳnh như sau:

Ông Tổ Đời I: Huỳnh Hắc, Đời II: Huỳnh Quốc Tuấn (Tấn), Đời III: Huỳnh Công Châu, Huỳnh Công Thạch, Đời IV: (con Huỳnh Công Châu): Huỳnh Công Lương; Huỳnh Công (Thiên) Tước, Đời V: Huỳnh Tường Đức (tức Nguyễn Huỳnh Đức – 1748), Huỳnh Thiên Đạt (1756).

Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt là hậu duệ đời thứ VII của ông Huỳnh Tường Đức và ông Huỳnh Thiên Đạt. Ông Huỳnh Thiên Đạt (1758), làm quan triều vua Lê Chiêu Thống (1786 -1788). Ông cố, bà cố của Huỳnh Tuấn Kiệt là ông Huỳnh Tĩnh Phi (Ty) và bà Lê Thị Trung, quê Bình Tịnh (Tân trụ, Tân An, nay là Long An). Giai thoại gia đình và địa phương kể rõ việc một mình bà Trung đánh cướp với cây đòn gánh nhảy lên mái nhà (nhà bị bọn cướp chốt chặt các cửa) đập ngói đánh từ trên xuống, cả bọn cướp quỳ lạy xin tha mạng!… Ông nội của Huỳnh Tuấn Kiệt là ông Huỳnh Tồn Tâm (Chánh) là danh y, và là thầy dạy võ có tiếng trong vùng. Ông có hai bài thuốc gia truyền đặc trị: sản phụ đẻ không đau bụng và giúp “cải tử hườn sanh” cho một số bệnh hiểm nghèo. Thân phụ Huỳnh Tuấn Kiệt là lương y, dịch giả sách thuốc “Hoàng Hán Y học”, là một trong các tác phẩm y học cổ truyền có giá trị đã được xuất bản toàn quốc.

Thừa hưởng nền tảng võ gia, y gia gia truyền Huỳnh tộc, Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt sáng lập môn phái Nam Huỳnh Đạo với nguyện vọng góp phần làm tỏa sáng nền văn hóa dân tộc thông qua võ thuật. Với nguồn gốc võ, y gia truyền có sự đúc kết tinh hoa võ học của dân tộc, dung hợp các học thuật của phương Đông, Nam Huỳnh Đạo đã góp phần xây dựng một nền võ học mang bản sắc riêng của Việt Nam với khẩu hiệu pháp môn: Đức – Đạo – Thiền – Y – Võ và đắc thủ năm di sản võ đạo – võ công Việt Nam: Nội công, Tâm pháp, Khí công, Mật dưỡng và Quyền pháp nhằm phục hồi nền võ đạo Nhân văn Thượng võ của Tổ tiên, quốc hồn quốc túy của dân tộc.

Công pháp của Nam Huỳnh Đạo là sự kết tính hài hòa giữa phép dưỡng sinh và chiến đấu, một tiêu chí bản chất của võ thuật. Với quan niệm võ dân tộc phải đi vào nhân dân, trước mắt là trường học, nơi tập trung đông đảo lực lượng trẻ ưu tú, có trí thức, có hoài bão. Lớp người kế thừa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói trên phải có sức khỏe, bản lĩnh, đạo đức, lý tưởng, xứng đáng với truyền thống huy hoàng của nòi giống Lạc Hồng. Nam Huỳnh Đạo chú trọng giáo dục môn sinh về võ đạo nhân sinh, để các học trò biết Tổ tiên ông cha ta từng giỏi ứng phó với thiên nhiên, địch họa như thế nào; khi gặp kẻ địch mạnh hơn, phải vận dụng binh pháp, võ công, mưu lược gì để chiến thắng quân thù. Qua đó người học nắm được bản nguyên văn hóa truyền thống dân tộc, hiểu được nguyên lý của thái cực, âm dương, cương nhu, ngũ hành… và cách vận dụng trong đời sống hiện tại. Cùng với việc rèn luyện nhân cách, võ đạo có pháp riêng để luyện võ sinh cách kềm chế tâm tánh, tiến đến làm chủ bản thân, từ đó sẽ hình thành bản lĩnh, có lối sống tốt, tránh được nhiều cám dỗ và tránh được nhiều thói hư tật xấu. Đây là điều mong ước lâu nay của các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội..

Điểm độc đáo của Nam Huỳnh Đạo là đúc kết lâm sàng y học cổ truyền đã ứng dụng có hiệu quả nội dung Y võ vào hệ thống công chức nhà nước, doanh nghiệp, sinh viên học sinh và người lớn tuổi là cách trị bệnh không dùng thuốc, mà thông qua hệ thống đạo dẫn khí công, phép mật dưỡng để tác động vào hệ sinh lực của kinh mạch lạc, thần kinh, khí quản, từ đó thanh lọc, cường kiện và phát huy tối đa năng lực, sức khỏe tối ưu trong hệ thống tâm thân của con người. Thời gian qua, Nam Huỳnh Đạo đã phối hợp với sở Giáo dục Đào tạo các tỉnh Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, đảo Phú Quốc (Kiên Giang) thực hiện chương trình thí điểm phổ cập môn võ dân tộc vào giờ học thể dục chính khóa, bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ, sắp tới có thể nhân rộng ra các tỉnh thành trong cả nước. Những hoạt động đó của Nam Huỳnh Đạo đã góp phần tích cực vào những chủ trương có ý nghĩa như:

– Ngày 24.6.2016, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã có Quyết định số 69 LĐVTCTVN -BCH về việc phổ biến các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam trong trường học, do chủ tịch Hoàng Vĩnh Giang ký.

– Ngày 6.10.2017, Bộ Giáo dục Đào tạo cấp Quyết định số: 4668 BGDĐT-GDTC về việc Tổ chức thành lập Câu lạc bộ võ Cổ truyền trong nhà trường, do Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất Nguyễn Duy Anh ký.

Đây là hai văn bản pháp lý quan trọng (có lẽ là lần đầu tiên) của Bộ Giáo dục .Đào tạo quốc gia Việt Nam, thể hiện sự quan tâm đến ngành võ học, quan tâm đến sự nghiệp rèn luyện thể chất cho lớp trẻ tương lai của nước nhà.

Nam Huỳnh Đạo đang phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Võ cổ truyền TP.Hồ Chí Minh, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM Khoa Văn hóa học, Hội Di sản TP.HCM, Viện Lịch sử Dòng họ tại T.HCM đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học nhằm phát huy những giá trị cao đẹp mang tính văn hóa xã hội sâu sắc của Võ đạo Việt Nam. Nam Huỳnh Đạo đã phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo, ngành Văn hóa Thể thao, Liên đoàn võ cổ Truyền Việt Nam để biên soạn bộ sách giáo khoa, bộ giáo trình giảng dạy văn hóa thể chất võ dân tộc Nam Huỳnh Đạo ở bậc đại học và các cấp khác theo chuẩn của Bộ Giáo dục Đào tạo. Ngoài ra, môn phái cũng đã biên soạn và in ấn một số đầu sách về võ đạo: Hồng Võ Điển Môn và Võ học Tinh Lý với 7 bộ sách đĩa. Thư viện Nam Huỳnh Đạo với hơn mười ngàn đầu sách của nhiều giai đoạn lịch sử dân tộc, chứa đựng nhiều tư liệu, tài liệu quý góp phần rất lớn trong công tác nghiên cứu, lý luận, biên soạn giáo trình sách giáo khoa ngành văn hóa và giáo dục. Đến nay, môn phái Nam Huỳnh Đạo đã có quan hệ giao lưu nhiều nước, lãnh thổ ở châu Á với Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Tây Tạng và một số nước châu Âu. Đoàn võ thuật các nước Nga, Belarus, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… đến Việt Nam giao lưu, tập huấn, ký bản ghi nhớ hợp tác phát triển võ đạo.

Với những nỗ lực không ngừng và thành tích đáng ghi nhận vì một nền văn hóa võ đạo Việt Nam, ngày 10 tháng 3 năm 2017, võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, chưởng môn Nam Huỳnh Đạo đã được Liên đoàn võ thuật cổ huyền Việt Nam trao bằng Đại Võ sư về những cống hiến đặc biệt vào việc bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam. (Quyết định số 22/QĐ LĐVTCTVN do Chủ tịch Hoàng Vĩnh Giang ký)…

Qua thực tế môn phái Nam Huỳnh Đạo kết hợp liên hệ các môn phái võ cổ truyền Việt Nam (cả trong và ngoài nước) nhìn chung người ta đều thấy rõ một truyền thống văn hóa võ đạo của dân tộc được bắt đầu một cách “sâu rễ bền gốc” trong truyền thống văn hóa võ đạo của những dòng tộc nhất định. Trong cái chung và cái riêng ấy, “truyền thống văn hóa võ đạo” được thống nhất hợp thành những hình thức sinh hoạt vật chất, tinh thần cụ thể đặc biệt qua các môn phái (lò) võ vừa là của dòng tộc vừa là của dân tộc, một trong những nơi có thể góp phần quan trọng tạo nên sinh lực sâu dày và bền vững cho văn hóa Việt Nam theo tinh thần “Nhân văn -Thượng Võ” vốn có như đã được khẳng định.

 

Thời nào cũng có các bậc minh quân, thánh đế, võ tướng kỳ tài, lập công xuất chúng với truyền thống “Thượng võ” bên cạnh tinh thần “Nhân văn” vốn có của dân tộc. Truyền thống đó đã góp phần tạo nên “võ đạo Việt Nam”, một bộ phân đặc biệt của văn hóa dân tộc và văn hóa dòng tộc Việt Nam.

LỜI KẾT

M

ay mắn thay dân tộc Việt Nam những con cháu của Quốc Tổ Hùng Vương một nền võ học cao cường đủ sức giữ nước, an dân, mở mang bờ cõi. Vô cùng biết ơn những dòng họ Việt Nam đã sản sinh nhiều võ tướng kỳ tài lập nên bao chiến công hiển hách, nhân dân Việt Nam dày công lưu giữ và phát triển trải qua mấy ngàn năm nền võ học quý giá đã trở thành “quốc bảo” làm rạng danh nòi giống Tiên Rồng trên trường quốc tế.

LE-BE-MON-NAM-HUYNH-DAO

Xưa nay theo quy luật tình cảm, người ta có biết mới yêu, có yêu mới ra sức giữ gìn, bảo vệ. Thông qua lịch sử, dân tộc ta đã biết rõ nền võ học Việt Nam do Tổ tiên ta tạo dựng, ông cha ta giữ gìn. Vậy lớp con cháu ngày nay phải làm sao để xứng đáng với tiền nhân? Võ học Việt Nam đã có từ lâu đời, từ thời dụng nước. Các môn phái võ ngày càng nở rộ ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam mỗi môn phải đầu có nét đặc thù của vùng, miền, xứ sở – vẫn hiên ngang tồn tại, bất chấp mọi sự cấm đoán của các thế lực thù địch hoặc những hạn chế do nhận thức còn chưa đầy đủ. Đất nước ta nay đã độc lập, thống nhất, nhưng chưa thật sự bình yên, an lạc. Nước ta đã có Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam và các Liên đoàn võ cổ truyền ở các địa phương hoạt động hết sức tâm huyết và năng động. Đồng thời Viện Lịch sử Dòng họ đã được quyết định thành lập không lâu nhưng đã có nhiều hoạt động đi vào chiều sâu cũng với Khoa Văn hóa học – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là một cơ quan nghiên cứu, đào tạo nhưng đã rất chủ động đưa văn hóa vào cuộc sống thông qua nhiều hoạt động thiết thực, bài bản, cụ thể như hội thảo “Văn hóa võ đạo Việt Nam” chẳng hạn… Hy vọng các Liên đoàn Võ cổ truyền, các môn phái võ dân tộc phối hợp cùng sự góp sức của Viện Lịch sử Dòng họ trong thời gian tới sẽ tiếp tục ra sức tập hợp, phát huy tất cả các môn phái võ của các dòng tộc trong cả nước – của một quốc gia gần trăm triệu dân thông qua những hình thức tổ chức hoạt động ngày càng bài bản, khoa học hơn để tạo thành nền võ học Việt Nam hùng mạnh nhất từ xưa đến nay, ngang hàng với các nền võ học thế giới, đủ sức thực hiện mục tiêu “dân cường nước thịnh” và phòng vệ đất nước một cách hữu hiệu nhất… Dù chiến tranh ngày nay không còn bằng gươm giáo, cung nỏ nhưng tinh thần võ học, ý chí bản lĩnh, mưu lược của võ thuật vẫn còn vô cùng cần thiết trong nghệ thuật điều binh khiển tướng, tăng kỹ năng và sức chiến đấu của từmg cán bộ, chiến sĩ cũng như của toàn dân trong cuộc chiến đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng,văn minh” với tinh thần luôn sẵn sàng ứng phó tốt với mọi tình huống có thể xảy ra.

LE-THI-TONG-BO-VO-CONG-NAM-HUYNH-DAO 01
LE-THI-TONG-BO-VO-CONG-NAM-HUYNH-DAO