parallax background

Luận đàm về một nền Văn Hóa Võ Học Việt Nam

Điển Quyền Chánh Môn
12/03/2014
Võ Đạo Việt Nam với Văn Hóa Dân Tộc và Dòng Tộc
29/04/2014

LUẬN ĐÀM VỀ MỘT NÊN VĂN HÓA VÕ HỌC VIỆT NAM

T

ừ “võ” hay “quyền” (boxing) trong tiếng Việt có thể hiểu là những động tác nhân thể đánh nhau bằng tay, trụ vững và di chuyển bằng chân, không dùng gậy gộc, vũ khí.

Người dạy võ là người thông thạo những thủ thuật đánh nhau bằng tay để tự vệ và tiến công, gọi là nắm chắc các “miếng võ” (boxing blow) và được gọi là “võ sư” (boxing leadear). Thế võ đầu tiên là chân bám đất và đứng vững không bị đối phương đánh ngã gọi là “trụ”. Tiếp theo là chuyển khí lên thân để sẵn sàng gồng mình chịu đựng được các cú đấm mạnh của đối phương gọi là “ tấn”. Sau đó là sự di chuyển toàn thân bằng đôi chân để “tránh đòn” và chờ đối phương sơ hở để “ra đòn” phản công gọi là “đi quyền” hay “thảo bộ”, nói tắt là “quyền”. Tấn, trụ, quyền có rất nhiều bài dạy khác nhau rất phong phú gọi là “miếng võ”. Mỗi lò Võ đều có những miếng Võ chung và riêng khác nhau.

Các “miếng võ” từ đâu mà có ? Từ các nhà võ sư quan sát các hành động tự vệ, tấn công của các động Vật hoang đã như “hổ quyền” (hai con hổ quần nhau), “xà quyền” (hai con trăn đánh nhau), “hùng kê quyền” (hai con gà đá đánh nhau), “hầu quyền” (khỉ đánh nhau, “hạc quyền”, “long quyền”, “báo quyền”, đặc biệt “hùng kê quyền” nổi tiếng của Nguyễn Lữ, “song phượng kiếm” của Bùi Thị Xuân mô phỏng điệu múa của chim phượng, bài roi Thái Sơn bắt chước tư thế, động tác của 8 con vật là rắn, lân, tê giác, thỏ, mèo, trâu, gà, hổ để hình thành nên các “miếng võ” dùng đánh trả để tự vệ hoặc tiến công và thế võ của “bài quyền” chuẩn bị đánh, quan sát đối thủ vận động và hít thở trụ đứng cho vững trước đối phương như ngựa chiến “ngựa trụ”, tập nhảy như gấu chạy lọt hầm “nhảy hầm”…). Đến đây, là lúc võ thuật (boxing art) hay còn gọi là võ nghệ (martial arts) đã xuất hiện với tính năng nghệ thuật của những miếng võ. Võ nghệ truyền thống Việt Nam lúc sơ khơi là một nền võ nghệ nhằm bảo vệ mình là chính, trừng phạt kẻ bất chính, thú dữ tấn công cuộc sống an bình của con người là chủ yếu. Mỗi võ sư thường tụ họp các võ sinh để luyện võ cho thành nghề (gọi là tay nghề võ thuật) để võ sư thành danh gọi là “lò võ” hay “võ môn”. Mỗi “lò võ” (boxing center) đều có những miếng võ “bí truyền” độc đáo, có các phương thuốc “võ y” (medicinal boxing) để cấp cứu và chữa bệnh cho các võ sinh khi tập luyện, có những quy định minh bạch về nhân cách và đạo đức của võ sinh mang tính giáo dục đạo đức (boxing ethics) gọi là “võ đức,võ tâm hay võ lý” để ứng xử với chúng sinh, nhân quần trong xã hội, có những chương trình trò chuyện giải trí và ẩm thực khi họp mặt luyện võ và luôn luôn có đông người trong chòm xóm đến tham dự. Võ sư chỉ thực sự truyền tải các “miếng võ độc chiêu” cho các võ sinh không chỉ giỏi về võ thuật mà phải là những võ sinh thể hiện được phẩm chất đạo đức làm người theo tổ truyền “võ đức” của lò võ. Người giỏi võ thuật (boxing art) phải thể hiện rõ là người sống có nhân ái, biết trọng lễ nghĩa, ham học hỏi và giữ vững uy tín với mọi người. Đây là lúc một nền võ đạo đã được hình thành (boxing ethics) trong một “lò võ”. Võ sư của mỗi “lò võ” đều xuất thân từ một dòng tộc thượng võ. Dòng tộc ấy gắn kết với một thôn xóm, làng xã cư trú nhất định. Nó tạo ra một không gian văn hóa đặc thù của văn hóa làng xã dân tộc Việt . Đó là sự hình thành các “lò võ đạo” (boxing ethics) trong văn hóa nông thôn cổ truyền Việt Nam. Nơi đây có một nền võ thuật nổi danh, một nền giáo dục theo những bài học võ lý (theoretical boxing) cụ thể, có những hoạt động võ y chữa bệnh (medicinal boxing) có uy tín.

ngu-hinh-quyen

Vì vậy, võ đạo là một lãnh vực văn hóa độc đáo của văn hóa làng xã dân tộc Việt , là một thực thể của văn hóa Việt Nam truyền thống, nó xứng đáng có mặt trong khoa văn hóa học Việt Nam hiện đại với một tổ chức nghiên cứu và giảng dạy mang tên là bộ môn Văn hóa học võ đạo Việt Nam (Vietnamese boxing ethics culture). Võ thuật phương Tây và Bắc Mỹ tập trung vào miếng võ hạ gục đối thủ là chính (knock out), xem võ thuật là một sản phẩm hàng hóa để “mại võ” khuyến dụ những người có nhu cầu hứng thú và đam mê cảm giác mạnh. Họ không có mục tiêu vì nhân ái, không hề truyền dạy võ đức, không bao giờ đề cao võ tâm cho võ sinh. Vì vậy, họ có một nền võ thuật (matial art) cao siêu, nhưng không có một nền văn hóa võ đạo lấy tâm đức làm nền tảng, lấy tự bảo vệ làm chính (boxing ethics) như nền võ thuật truyền thống Việt Nam ta.

Văn hóa võ đạo (boxing culture) là một sinh hoạt đặc thù của văn hóa nông thôn người Việt. Nó là một trong những nhân tố cấu thành của văn hóa dân tộc Việt Nam hiện đại. Vì vậy, văn hóa võ đạo là một bộ môn Văn hóa học Việt Nam (Vietnamese Culturology). Văn hóa võ đạo Việt Nam dựa vào quá trình chuyển khí làm trung tâm, nó bắt nguồn từ huyền thoại Thánh Gióng chuyển khí thành sức mạnh vô biên để đánh thắng giặc Ân cứu nước. Theo tài liệu hiện có, Việt Nam có những vùng văn hóa võ đạo cụ thể. những dòng họ võ đạo cụ thể. Nhiều dòng họ võ đạo đã sáng tạo ra những võ lý (lý thuyết), võ đức (đạo đức), võ y (cách chữa bệnh), võ dược (lá cây làm thuốc võ), võ nhạc , võ kỳ (múa cờ), nhiều ca dao, tục ngữ, chuyện kể về các lò võ danh tiếng… Tổng hợp lại các hoạt động nghiên cứu nói trên là sự ra đời một nền võ học (boxing studies) thực sự. Các dòng võ đạo Tây Sơn ở tỉnh Bình Định (Nam Trung Bộ) và võ đạo Nam Huỳnh Đạo ở Long An (Nam Bộ) hiện nay đang trở thành một nền võ học Việt Nam đương đại ở nước ta một nền võ học lấy sự phát triển của thân (khỏe mạnh để tự vệ) và tâm (nhân ái để đoàn kết) làm mục đích.

Giáo Sư Mạc Đường

V

ăn hóa võ đạo Việt Nam truyền thống là một nghệ thuật luyện thân cường tráng, luyện tâm dũng khí, luyện chí nhân ái để tạo ra một sự lớn mạnh đột phá cho thể chất con người bằng sự chuyển khí đến toàn thân qua tứ chi con người. Khí vượng thì người khỏe, tay mạnh phi thường, chân đứng trụ vững chắc, khó xô ngã. Nhưng, sự chuyển khí ấy phải là sự thể hiện của một tâm thế trong sáng, một ý chỉ đầy cường lực mới đạt tới những hành động xã hội (social action) phi thường.

Khí không phải là khí trơ, cứng nhắc; chất khí của sự chuyển động không thường xuyên và hỗn loạn trong cơ học (gaz) mà là sinh khí (vitality force) uyển chuyển, cương nhu vận động thích hợp, thường xuyên, lấy trí mưu làm trụ cột để sinh ra cường lực.Văn hóa võ đạo của dân tộc Việt trên bán đảo Đông Dương đòi hỏi tâm nhân (tức lòng nhân trong tâm đức) là gốc rễ sinh ra khí lực. Nhân tâm càng trong sáng, khí lực càng mạnh. Câu chuyện Thánh Gióng là một hiện tượng của chủ nghĩa biểu tượng (symbolism) nói về khí và võ đạo của Việt Nam. Nhân vật huyền thoại Thánh Gióng (tức Phù Đổng Thiên Vương) là khởi nguồn của văn hóa võ đạo Việt Nam, là một trong 4 vị thánh “tứ bất tử” của cộng đồng dân tộc Việt dân tộc chủ thể của lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Không phải là khí công mà là khí vận trong một tâm thế cao vì cứu hộ chúng sinh như một đấng cứu thế (messiah). Lòng yêu nước và chí căm thù giặc ngoại xâm đã tạo nên luồng chuyển khí dữ dội làm cho Thánh Gióng lớn nhanh và có sức mạnh phi thường, dùng tay cầm gươm, nhổ cả bụi tre đánh thắng giặc rồi bay về trời tức là về với sức mạnh của sinh khí Vũ trụ (vitality force). Thánh Gióng là một trong bốn vị thánh “Tứ Bất tử” trong thần thoại Việt Nam, là biểu tượng (symbol) cho sức mạnh toàn dân tộc trong bối cảnh lịch sử “sơn hà nguy biến” (4 vị thánh “Tứ Bất Tử” ấy là Thánh Tản Viên, biểu tượng cho sức mạnh của thiên nhiên. Chử Đồng Tử, biểu tượng cho sức mạnh của lòng nhân ái rộng mở. Thánh Gióng, biểu tượng cho sức mạnh kỳ diệu của lòng thương yêu đồng bào và võ đạo siêu Việt cứu dân. Mẫu Liễu Hạnh, biểu tượng của sức mạnh nữ quyền trong tình thương yêu, giúp đỡ, cứu trợ người nghèo khổ, cứu đời, tế gia, dạy dỗ thế hệ tương lai, chăm sóc gia đình. Có thể nói, dựa vào môi trường thiên nhiên, dựa vào tâm đức thương dân, tin vào dân, thương yêu, chăm sóc thế hệ kế thừa là cốt tủy của sức mạnh Việt Nam mà thần thoại thời Hùng Vương (2809 – 258 tr.công nguyên) về các “vị thánh Tứ Bất tử” đã chỉ ra. Văn hóa Việt Nam hiện đại không thể thoát ra ngoài cái khung lịch sử đã định sẵn từ thần thoại “Tứ Bất tử”. Trong đó, văn hóa võ đạo Việt Nam sẽ vươn lên khỏi tầm nhìn của một môn thể thao thể chất để trở thành một bộ môn văn hóa võ đạo Việt Nam trong cấu trúc chuyên ngành Việt Nam học ngày nay.

Khởi nguyên từ Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương, văn hóa võ đạo Việt Nam đã có một lịch sử phát triển riêng của nó mà cho đến nay, rất tiếc là, chưa hề có một chuyên sử nào gọi là tổng quan về văn hóa võ đạo Việt Nam được đến tay bạn đọc. Văn hóa võ đạo Việt Nam chỉ có thể nghiên cứu về nó khi chúng ta có một tầm nhìn chiến lược về lịch sử dòng họ và gia phả của các dòng họ thượng võ ấy.

Nhiều người Việt Nam muốn nhập vào văn hóa võ đạo để nâng cao tâm đức, thân thể cường tráng và nắm được những “miếng võ” tự bảo vệ mình khi cần thiết. Nhưng, chỉ có những dòng họ “thượng võ” mới sinh ra được những nhân tài “võ đạo” đứng đầu các “lò võ” hoặc “võ môn” ở một số làng xã nhất định. Văn hóa võ đạo mang dấu ấn đậm nét của văn hóa dòng họ và văn hóa địa phương. Bởi vậy, văn hóa võ đạo là một trong những nhân tố cấu thành của văn hóa dân tộc. Qua văn hóa võ đạo, chúng ta cũng có thể nhìn thấy được một phần diện mạo của bản sắc văn hóa dân tộc.

T

heo những tư liệu hiếm hoi hiện nay, Việt Nam vốn có 4 vùng văn hóa võ đạo trong lịch sử.

Đó là vùng võ đạo Bắc bộ với dòng võ huyện Chương Mỹ (tỉnh Hà Đông cũ) và dòng võ vật làng Liễu Đôi huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) được xem là tiêu biểu. Đó là vùng võ đạo Bắc Trung bộ với các dòng võ ở Thanh Hóa – Nghệ An với dòng võ Nam Hồng Sơn ở Đô Lương là đại diện. Đó là vùng võ đạo Nam Trung bộ mà tiêu biểu là các dòng võ huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định (roi Thuận Truyền, quyền An Vinh…) là đại diện. Đó là dòng võ đạo Nam Bộ mà dòng võ Nguyễn – Huỳnh làng Khánh Hậu, tỉnh Long An là một dòng võ tiêu biểu. Có thể suy luận rằng. tại những địa điểm bùng nổ các cuộc khởi nghĩa lớn như làng Đường Lâm của Ngô Quyền, Lam sơn của Lê lợi, làng Phù Ủng của Phạm Ngũ Lão, làng Cổ Trai của Mạc Đăng Dung ở Hải Dương, quê gốc của Hồ Quý Ly ở h. Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, vùng đất Tây Sơn thượng đạo (tỉnh Bình Định), vùng đất Tân Uyên (tỉnh Bình Dương),vùng đất Sa đéc – Cao Lãnh, vùng biên cảnh Thất Sơn (tỉnh An Giang) đều có những lò võ được dân gian truyền miệng qua nhiều đời nay vẫn còn vang bóng một thời. Kho tàng chuyện kể dân gian còn lưu lại những sự tích võ đạo của chuyện “Chú Lía” (tức Võ Văn Đoan), Dư Đành ở Tây Sơn hạ đạo chuyên cướp của bọn quyền gia, ác bá ở nông thôn đem chia cho dân nghèo. Lía, Đành là những võ sư độc thân, một mình có thể chống lại hàng chục dân đinh giỏi võ của cai tổng chuyên theo vây bắt. Đó còn là chuyện dạy võ của nữ tướng Bùi Thị Xuân tại làng Xuân Hòa bên dòng sông Côn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) trong thời đại vua Quang Trung. Đó là chuyện đánh võ của vợ Hoàng Hoa Thám, vợ ba Cai Vàng, những nữ tướng thông thạo võ nghệ của Hai Bà Trưng hiện đang được thờ ở Mê Linh (Hà Nội) vv…vv… Có thể nói, đất Việt Nam là một không gian thượng võ, nơi sản sinh ra những môn phái võ nổi tiếng, nơi xuất hiện những lò võ của các dòng họ võ đạo vang bóng một thời. Các lò võ đạo vang danh ấy đã góp phần xây dựng một nguồn nhân lực võ dũng trong các cuộc đấu tranh chống áp bức, chống xâm lược, chống bất công xã hội trong lịch sử. Họ đã góp công xứng đáng vào sự nghiệp giữ nước, chống áp bức trong lịch sử dân tộc.

Qua khảo sát sơ bộ hai không gian văn hóa võ đạo Tây Sơn ở Bình Định và không gian văn hóa võ đạo Khánh Hậu ở Long An, chúng ta cũng nhận ra được tính văn hóa đặc sắc trong các dòng họ võ đạo và ý nghĩa của nó đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và an ninh của làng xã Việt Nam dưới thời phong kiến ở nước ta.

S

Ơ KHẢO CÁC DÒNG HỌ VÕ ĐẠO TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM

Sư phụ Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học: " Họ Trương trong lịch sử vùng đất phía Nam"

Võ đạo Tây Sơn là nền võ đạo của dòng họ Nguyễn ( Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ – Nguyễn Lữ) vùng đất Tây Sơn (xưa là huyện Bình Khê, nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) bên bờ sông Côn. Nơi đây là đất trồng mía, trồng dâu (phía thượng nguồn) nổi tiếng, nơi có ruộng lúa phì nhiêu (phía hạ nguồn). Vùng khởi nghiệp của Nhạc – Huệ – Lữ là vùng gần núi đá Hầm Hô dày đặc mía ngô, bảo đảm bí mật cho lò võ phát triển. Việc luyện võ ở đây là một hoạt động quan trọng để tụ nghĩa, luyện quân, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa nông dân vùng đất Tây Sơn đứng lên đập tan nhà nước phong kiến thời Hậu Lê và lập ra triều Tây Sơn (1778-1793) hùng mạnh. Đó là “thời cuộc nước ta hồi thế kỷ XVIII : một mớ tơ rối đương phủ xã hội mục nát, một bầu không khí nặng nề đương vây bọc nhân dân nghẹt ngòi !” Theo lời kể ở địa phương, dòng võ đạo Nghệ An đã truyền qua Thầy Giáo Hiến (Trương Văn Hiến) quê ở Hưng Nguyên bị quân chúa Nguyễn di dân cưỡng bức vào nam định cư. Ông sống ở vùng núi đồi Tây Sơn và trở thành người thầy dạy võ và dạy văn cho anh em Nhạc- Huệ – Lữ (Tây Sơn tam kiệt). Nhiều dòng họ Võ ở Bình Định sau này thường nhắc đến vị tổ sư là “thầy giáo Hiền”. Ngoài dòng họ võ “Tây Sơn tam kiệt”, vùng đất Bình Định còn có dòng võ họ Phan ở làng An Vinh, họ Diệp ở làng An Thái, họ Hồ làng Lê Nghi, họ Lý ở làng Đập Đá (huyện An Nhơn) lập ra lò võ ”Lý gia võ đạo”, họ Trương ở làng Kỳ Sơn (huyện Tuy Phước) lập ra “Võ đường họ Trương”, làng võ hai họ Lê – Tuyên (còn gọi là làng võ tướng Bá Mười) ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), võ trường họ Đinh ở xã Nhơn An (huyện An Nhơn), võ trường họ Trần ở làng Trường Định, xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn), Làng võ Bùi Thị Xuân ở làng Xuân Hòa, nay là thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn …vv …vv

Ở Nam bộ, nhất là ở vùng trấn Long Hồ thời Nguyễn (1698), nay là vùng Long An Bến Tre Vĩnh Long. Cao Lãnh, Trà Vinh và vùng núi Thất Sơn (tỉnh An Giang) đã có nhiều lò võ cổ truyền nổi tiếng . Người ta kể rằng, vị thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân Bãi Thưa – Láng Linh Trần Thành (1867-1873) là một đại võ sư đã luyện tập một đội võ binh tên là “Binh Gia Nghi” khai thác ruộng đất và chiến đấu bảo vệ khu căn cứ Láng Linh trong suốt 6 năm liền nhằm chống lại quân xâm lược Pháp và bọn vua quan chủ trương đầu hàng của triều đình Tự Đức.

Ở vùng đất Tây sơn xưa, nguyên là các xã của huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) và các xã vùng ven Tây Sơn của huyện An Nhơn, huyện Phù cát, một số xã của huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã lưu truyền và lưu tồn nhiều “lò võ đạo Tây Sơn” của nhiều dòng họ võ công vang tiếng nhiều đời. Đó là những lò võ đạo Bình Sơn, Hải Sơn, Quách Cang, Hồ Ngạnh, lò võ đạo Bùi Thị Xuân, lò võ đạo “Tây Sơn tam kiệt” ở Phú Phong, lò võ đạo An Vinh xã Tây Vinh, lò võ đạo An Thái xã Nhơn Phúc. Lò võ đạo Thuận Truyền (làng roi, đoản côn, trường côn), lò võ đạo Trường Định xã Bình Hòa …vv…vv.

Su-phu-tham-gia-vo-thuat-co-truyen-viet-nam 01
Sư phụ Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo tham gia Đại hội Quốc tế Võ Thuật Cổ truyền Việt Nam

Những danh nhân võ công Bình Định có thể kể tên để vinh danh lưu truyền là Đào Duy Từ, thầy giáo Trương Văn Hiền, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và các nữ danh tướng Bùi thị Nhạn, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Cúc trong nhóm nữ tướng lĩnh “Tây Sơn Ngũ Phụng thư”, Mai Xuân Thưởng. Tăng Bạt Hổ…vv..vv. Dân gian có câu : “An Vinh giỏi quyền, Thuận Truyền giỏi roi (thuộc phái võ ta). An Thái giỏi côn (thuộc phái võ Tàu).

Ở vùng đất võ Tây Sơn thượng đạo đã tồn tại một nền võ thuật (boxing art) và võ đạo (boxing ethics), võ y (medicinal boxing) từ lâu đời và trong thực tế đã trở thành một nền võ học (boxing studies) dưới thời Tây Sơn. Bởi vì, trong nền võ đạo Tây Sơn còn có võ nhạc (boxing music), tiêu biểu là nhạc trống, múa nhạc trong hát bộ, chuyện kể về các lò võ, các miếng võ cao tay, các bài võ lý (theoretical boxing) còn gọi là “bài thiệu” sâu sắc tính nhân ái và sĩ khí thượng võ của con người. Các bài thiệu là những áng văn chương tổng hợp về đạo lý, những triết lý sống của người học võ được truyền qua các bài võ thuật (bài Thiệu) để tập luyện hằng ngày. Trong võ đạo Tây sơn còn có môn kỳ võ tức múa cờ (flag dance). Ngày nay, kỳ võ ( Flag dance ) và nhạc võ ( boxing music) Tây sơn được xem là hai danh mục “ đặc sản ” văn hóa của vùng văn hóa võ đạo Bình Định.

Nam Bộ là một vùng đất mới, nơi quy tụ những nhóm di dân cùng khổ nhất trong trong thế kỷ XVII và XVIII của xã hội phong kiến Việt Nam. Trong những dòng di dân ấy có nhiều võ sư, người biết võ vào khai hoang, lập nên cuộc sống tự lập giữa một vùng đất sình lầy nhiều rắn độc, cá sấu, trâu rừng, heo rừng, hổ báo, voi đàn luôn luôn đe dọa mạng sống con người. Môi trường sống ấy đòi hỏi những lò võ xuất hiện, xã hội cần thiết những dòng họ thượng võ, những bài võ tự bảo vệ bản thân và gia đình ra đời. Theo tư liệu truyền khẩu, Nam bộ có nhiều nhóm luyện võ có gốc gác từ vùng Nghệ An và đất võ Tây Sơn tỉnh Bình Định ( ví dụ môn phái “ Bình Định – Sa Long Cương ở Thành Phố Hồ Chí Minh do võ sư Trương Thanh Đăng sáng lập năm 1976 đã kế thừa các bài võ của Tây Sơn thượng đạo). Song, môn phái Nam Huỳnh Đạo là một môn phái võ đạo đang phát triển có quan hệ với các khoa học xã hội, đặc biệt là với môn văn hóa học và môn lịch sử dòng họ.

Su-phu-tham-gia-hoi-di-san 01
Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di Sản TP.HCM troa hoa và bằng khen cho Sư Phụ Chưởng Môn Nam Huỳnh Đạo tại Đại hội Di Sản TP.HCM

Môn phái Nam Huỳnh Đạo đang độ lớn mạnh ở thành phố Hồ Chí Minh và ở một số tỉnh thành nước ta. Nhưng, khởi nguồn của môn phái này là làng Khánh Hậu, tỉnh Long An, vùng nối tiếp giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Ở đây có dòng họ võ Huỳnh tộc, đứng đầu là võ sư Huỳnh Tường Đức (1748-1819), cha mẹ người miền Trung (vùng Đô Lương, tỉnh Nghệ An hiện giờ) . Ông đã có công khai khẩn đất hoang và qui tụ dân lành lập nên làng xã vùng đất Giồng Cái Én thuộc xã Khánh Hậu, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An ngày nay. Huỳnh Tường Đức còn là một nhà cầm quyền tài ba được vua Quang Trung và vua Gia Long trọng dụng. Theo sách “Hồng võ điển môn” của môn phái Nam Huỳnh Đạo đang xây dựng một nền võ đạo tuyệt đối ta gọi là THÂN MẠNH, TÂM SÁNG. Điều kiện cần và đủ để đạt đến hạnh phúc đích thực là THÂN và TÂM phải hợp nhất trong sự hài hòa sinh lực sống gọi là KHÍ. Thân và Tâm được sinh ra, hun đúc, huân tập trong bản chất nền tảng của VĂN HÓA DÂN TỘC.”.

Với cách nhìn chung nhất, văn hóa võ đạo Việt Nam trước hết gắn liền với hoạt động của các môn phái võ cổ truyền vừa tập trung bảo tồn những giá trị truyền thống vừa hướng đến một nền võ học hiện đại nằm trong văn hóa dân tộc và đó là bản chất nền tảng của văn hóa dân tộc Việt nói riêng, của nền văn hóa dân tộc cổ truyền Việt Nam nói chung. Nền văn hóa đó mang những sức mạnh tinh thần đồng thời hàm dưỡng cả sức mạnh vật chất của một dân tộc có được cái hạnh phúc đích thực do THÂN VÀ TÂM đem lại cho mình thông qua truyền thống “Thượng võ” gắn liền với tinh thần “Nhân văn” được hình thành rất sớm, ngay từ khi khởi thủy lịch sử với huyền thoại Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân xâm lược. Đó chính là cái “giá trị tinh thần truyền thống dân tộc” và là bản lĩnh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam trong lịch sử mà các thế hệ con cháu chúng ta mãi mãi cần phải tìm mọi cách để bảo tồn, tôn vinh và phát huy thật tốt .

Nam-Huynh-dao-trien-khai-tap-luyen-tai-dai-hoc-hutech
Nam Huỳnh Đạo biểu diễn triển khai tập luyện tại Đại Học HUTECH